Phòng viêm da tiếp xúc côn trùng

Lê Thu Hiếu (Nam Định)

Phòng viêm da tiếp xúc côn trùng

Những nốt mẩn đỏ, ngứa và rát là biểu hiện của bệnh viêm da do côn trùng. Bệnh này thường xuất hiện vào thời điểm chuyển từ mùa hè sang mùa thu (khoảng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm). Kẻ gây bệnh là côn trùng cánh cứng, có phấn và dịch gây cháy bỏng da như kiến, sâu ban miêu, con giời...

Khi tiếp xúc với côn trùng, người bệnh thấy ngứa, rát bỏng tại chỗ. Sau 6-12 giờ sẽ xuất hiện các vết đỏ, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4mm. Từ 1-3 ngày sau xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ, lấm tấm bọng nước và bọng mủ. Lúc này, người bệnh có cảm giác đau, kèm theo sốt, mệt mỏi, khó chịu, nổi hạch, đau ở vựng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương, đi lại khó khăn. Nếu tổn thương ở vùng gần mắt có thể làm sưng húp cả hai mắt, 5-7 ngày sau mới hết. Việc điều trị bệnh hiện nay không khó, nhưng lại rất cần thận trọng.

Nếu chỉ có vết đỏ, chỉ cần dùng nước muối loãng 0,9% hoặc nước vôi loãng chấm ngày 3-4 lần, tránh rửa nước nhiều, tránh kỳ cọ làm trượt da tróc vảy. Nếu đau rát nhiều có thể dùng dung dịch yarish, dalibua, kháng sinh, các loại hồ làm dịu da như hồ nước, hồ tetra-pred từ 4-6 ngày là khỏi. Nếu tổn thương nhiễm trùng hóa mủ, sốt, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân... bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa da liễu. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê kháng sinh kết hợp với kháng histamin tổng hợp và corticoid nhẹ để uống.

Tuyệt đối không được sử dụng phương pháp chữa dân gian như nhai gạo nếp, đỗ xanh đắp lên vết đau, có thể gây nhiễm trùng nặng. Để phòng bệnh, vào thời điểm giao mùa, các gia đình nên đóng cửa sổ vào buổi tối hoặc sử dụng lưới để ngăn côn trùng không bay vào nhà.

BS. Vũ Thu Dung